This site is created at the Nethouse site-building service. Would you like to have a similar one?
For the site owner

Soạn bài trao duyên

Trao duyên là một đoạn trích trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Bằng ngôn ngữ đầy tính nghệ thuật, tác giả đã thể hiện đặc sắc diễn biến tâm trạng vô cùng bế tắc của Thúy Kiều vào đêm trao duyên. Cùng theo dõi soạn bài trao duyên trong chương trình Ngữ Văn 11 của ba đầu sách Cánh diều, Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo dưới đây.

2. Soạn bài trao duyên - sách kết nối tri thức

2.1 Trả lời câu hỏi trước khi đọc bài 

Mối tình của Kim - Kiều được tác giả Nguyễn Du miêu tả là một "thiên tình sử" tuyệt đẹp. Bạn hãy đọc một đoạn thơ trong tác phẩm Truyện Kiều hoặc một bài thơ của một tác giả khác nói về tình yêu của họ.

Lời giải chi tiết:

Kim Trọng phải về Liêu Dương để hộ tang chú. Lúc chia tay, Thúy Kiều phải chủ động trong chuyện tình cảm. Cái bệnh của nho sĩ chính là nghi ngờ, Kim Trọng không tin vào người yêu “dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng” nên chàng phải dặn dò:

Gìn vàng giữ ngọc cho hay,

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.

Để an ủi và động viên Kim Trọng, Thúy Kiều cũng lại một lần nữa khẳng định:

Đã nguyền hai chữ đồng tâm,

Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.

2.2 Trả lời câu hỏi trong khi đọc bài 

Câu 1: Hình dung về bối cảnh của cuộc trao duyên (về thời gian, không gian và hoàn cảnh của các nhân vật)

Lời giải chi tiết:

Sau đêm thề nguyện của Kim Trọng với Thúy Kiều, Kim Trọng phải về gấp để hộ tang chú ở Liễu Dương. Tai nạn ập tới nhà Kiều vì sự vu oan của một thằng bán tơ. Cha và em trai bị đánh đập rất tàn nhẫn, của cải thì bị cướp sạch. Kiều buộc phải bán mình để chuộc tội cho cha và em.

Câu 2: Chú ý về nội dung lời "hỏi han" của nhân vật Thúy Kiều 

Lời giải chi tiết:

Lời hỏi han của Thúy Kiều đã nhắc nhở Thúy Vân sao có thể vô tư và ngủ ngon lành như chẳng có chuyện gì xảy ra trong nhà như thế. May mà còn chợt tỉnh giấc và còn biết nghĩ tới chị. 

Câu 3: Theo dõi cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật Thúy Kiều

Lời giải chi tiết:

- Khi nói ra lời nhờ cậy với Thúy Vân: lòng bỗng rối như tơ vò 

- Khi trao lại kỉ vật cho Thúy Vân: xót xa và tủi thân 

Câu 4: Chú ý vào lời Thúy Kiều dặn dò Thúy Vân lúc trao kỉ vật.

Lời giải chi tiết:

Khi tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng đang diễn ra một cách tươi đẹp và đằm thắm thì thình lình tai hoạ lại dồn đến. Sau khi thu xếp công việc, bán mình để chuộc cha và em, ngày mai nàng sẽ phải đi theo Mã Giám Sinh rời xa nhà. Đêm ấy, Kiều không đành lòng với tình cảnh hết sức dang dở với Kim Trọng nên cuối cùng, sau khi tìm ra cách thuyết phục và trao duyên cho em gái, khi thấy Vân đã cảm thông thì Thúy Kiều mang từng kỉ vật trao tình yêu giữa mình và Kim Trọng và trao lại cho em gái.

Câu 5: Mười dòng thơ cuối cùng là lời Thúy Kiều nói chuyện với ai?

Lời giải chi tiết:

Thúy Kiều nói với Thúy Vân hãy thay mình kết duyên với chàng Kim Trọng.

2.3 Trả lời câu hỏi sau khi đọc bài 

Câu 1: trang 16 SGK Văn 11/2 kết nối tri thức 

Nêu rõ bố cục của đoạn trích và chỉ ra đâu là lời của người kể chuyện, đâu là đoạn đối thoại và lời độc thoại của các nhân vật.

Lời giải chi tiết:

Bố cục: 

- Phần 1 (gồm 12 câu đầu): Kiều thuyết phục và đã trao duyên cho Thúy Vân

- Phần 2 (gồm 14 câu tiếp): Kiều trao những kỉ vật và dặn dò em gái

- Phần 3 (đoạn còn lại): Kiều đau đớn dẫn tới độc thoại nội tâm

Lời người kể chuyện ở các câu: 711,725,730 và 735

Lời đối thoại của nhân vật ở câu: 715,720,740 và 745

Lời độc thoại của nhân vật: 750 và 755.

Câu 2: trang 16 SGK Văn 11/2 kết nối tri thức

Thúy Kiều đã trao duyên cho Thúy Vân vào thời điểm nào?

Lời giải chi tiết:

Việc trao duyên của Thúy Kiều cho Thúy Vân được diễn ra trước lúc Kiều thu xếp công việc bán mình.

Câu 3: trang 16 SGK Văn 11/2 kết nối tri thức

 Đọc đoạn thơ (từ câu 719 tới 748) và trả lời những câu hỏi

Lời giải chi tiết:


  1. “Cậy, lạy, thưa” là những từ ngữ khi người vai dưới nói chuyện với người vai trên. Những từ ngữ ấy thể hiện sự tôn trọng rất đặc biệt của Kiều dành cho người em gái mà mình đã nhờ vả. Dù mình là vai trên nhưng Kiều không ra lệnh cho em. Tuy trong lòng cô có nhiều suy nghĩ và trăn trở nhưng vẫn hết sức bình tĩnh để xử lý, sắp xếp và thu vén chuyện của mình.
  2. Kiều trình bày với em gái về hoàn cảnh của mình, về mối tình đang dang dở của mình với chàng Kim và mong rằng em hãy hiểu cho nỗi khổ tâm của mình mà chấp nhận mối tơ thừa của nàng. Hai người đã có những cuộc hẹn thề gắn bó dài lâu nhưng nay Kiều không thể giữ lời hứa đó. Bởi lẽ, nàng không thể hoàn thành được cả “chữ hiếu” lẫn “chữ tình”; nên “chữ tình” này, xin gửi lại cho Vân thay chị thực hiện. Từng lời nói của Kiều thể hiện nỗi đau khổ và day dứt mà nàng đang phải nếm trải. Nào ai muốn nhìn thấy cảnh cha và em trai bị oan ở trong tù? Nào ai muốn rời xa người mình yêu thương khi tình cảm đang rất mặn nồng? Ta càng thêm thương xót cho số phận nàng Kiều bạc mệnh.
  3. Lúc trao kỉ vật cho Thúy Vân, Thúy Kiều đã dặn dò nàng rằng ''Duyên này'' là duyên giữa Thúy Vân và Kim Trọng, chứ phần của Kiều xem như đã hết. Chị đã trao duyên lại cho em nhưng những kỷ vật ấy thì xin em hãy coi chúng là ''của chung'' bởi chúng còn là của chị. Lúc Kiều kể về mối tình của mình cho Thuý Vân nghe, giọng điệu của nàng vẫn rất bình tĩnh, nhưng đến khi trao kỉ vật, nàng cảm thấy mình đã mất tất cả nên không thể kìm nén được cảm xúc đang dậy sóng ở trong lòng. Nàng tiếc nuối và đau đớn khi phải chia sẻ với người thứ ba. Trái tim lúc này bắt đầu lên tiếng. Cảnh ngộ bắt buộc Kiều phải ''lỗi thề'' nhưng trong đáy lòng nàng đâu có dễ dàng để có thể nguôi đi được lời thề khi xưa và đoạn tuyệt tình cũ ấy được. Đầy xót xa tủi nhục và đau đớn tận cùng, Thúy Kiều phải chăng vẫn giữ lại một chút an ủi nhỏ nhoi. Trao "duyên" xong, nhưng lòng Kiều lại càng nặng trĩu, đầy những giằng xé và níu kéo, tiếc nuối vô cùng. Lý trí đã bắt nàng phải từ bỏ tình yêu với chàng Kim Trọng ngày đêm yêu thương, nhưng trái tim của Kiều lại không cho phép nàng được làm vậy.
  4. Tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn trích Trao duyên được diễn ra thông qua ba chặng như ba nấc thang của tâm lý. Mở đầu là những lời yêu cầu rất khẩn thiết của Kiều đối với Thuý Vân:


“Cậy em, em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.”

Hai câu thơ cho thấy rằng Kiều vừa khẩn khoản lại vừa thiết tha, vừa như đặt trọn niềm tin và hi vọng vào Vân. Trong các từ thể hiện sự nhờ vả: nhờ, mượn, phiền,…Nguyễn Du đã lựa chọn từ “cậy”. Phải chăng vì chỉ có từ “cậy” mới hàm chứa được nội dung thông báo nhờ và tin? Lại nữa, tại sao “chịu lời” mà chẳng phải là “nhận lời”, tại sao “chịu lời” trước rồi mới “thưa” phía sau? Nếu Kiều trình bày sự việc trước thì chưa chắc Vân đã chịu lời. Nói “nhận lời” là đã thể hiện ý kiến của người nhận, là có sự tự nguyện của Thuý Vân. Nhưng Vân nào đã biết chuyện gì mà có thể tự nguyện hay không tự nguyện. Do vậy phải là “chịu lời”, vì đây chính là việc Kiều chủ động nài ép Vân, đưa Vân vào một hoàn cảnh không nhận không xong. Ở đây Kiều hiểu hoàn cảnh rất khó xử của mình và càng hiểu cho hoàn cảnh khó xử của cô em gái. Cũng qua đây có thể thấy rằng Nguyễn Du là thi sĩ rất “sâu sắc nước đời”.

Thúy Kiều đã không quá dài lời khi nói tới hoàn cảnh của mình. Những việc vừa diễn ra ai chẳng rõ. Nhưng bất hạnh của Thuý Kiều thì chỉ Vân mới là người có thể thấu hiểu. Bởi chính Vân là người chứng kiến được cả hai biến cố của đời Kiều: “Khi gặp chàng Kim” và lúc “sóng gió bất kì”. Các mâu thuẫn lớn trong tâm trạng của Thúy Kiều lúc này không phải là giữa chữ hiếu và chữ tình. Giải quyết mâu thuẫn giữa chữ hiếu và chữ tình, Kiều đã làm xong, tuy khó khăn nhưng vô cùng dứt khoát và thanh thản: “Làm con trước phải đền ơn sinh thành”. Vả lại, nếu là chuyện về chữ hiếu thì Kiều đâu cần phải “cậy”, phải “lạy”, phải “thưa” với em gái của mình; việc gá duyên, với Vân là một trách nhiệm và nghĩa vụ. Mâu thuẫn chính được thể hiện thông qua đoạn trích là mâu thuẫn giữa tình yêu lứa đôi với hạnh phúc bị tan vỡ. Sự dở dang và tan vỡ này được thể hiện thông qua một câu thơ mang sắc thái thành ngữ đó là “Giữa đường đứt gánh tương tư”. Hình ảnh ẩn dụ “giữa đường đứt gánh” đã từng gặp trong câu ca dao. Thì ra, những đau khổ của Thúy Kiều đâu có xa lạ gì với những số phận của những người phụ nữ xưa. Tuy nhiên, bi kịch tình yêu tan vỡ của Kiều vẫn là nỗi đau đớn hơn bất cứ thiên tình sử nào trong nền văn học trước đó.

Sau tám câu mở đầu Kiều đã nói với Vân về nỗi bất hạnh của cuộc đời mình, về sự thấu hiểu cho hoàn cảnh khó xử của em gái, Kiều vẫn tiếp tục thuyết phục Vân thay nàng đi trả nghĩa cho Kim Trọng. Kiều nói với Vân bằng giọng tâm sự biểu hiện thông qua các câu thơ mang phong cách thành ngữ như: “lời nước non”, “tình máu mủ”, “thịt nát xương mòn” hay “ngậm cười chín suối”. Những lời tâm sự ấy có tác dụng thuyết phục mạnh mẽ. Kiều ràng buộc Vân bằng chính tình máu mủ, lại khẩn cầu em cho mình được chút vui, chút ơn và chút thơm lây từ đức hi sinh cao đẹp của em:

“Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”

Vừa thuyết phục, lại vừa ràng buộc, ràng buộc nhưng vẫn rất khẩn cầu, Kiều đã đạt được mục đích của mình: nhờ Vân thay mình đi trả nghĩa cho Kim Trọng. Nhưng chính lúc mục đích đã đạt được là lúc bi kịch tình yêu của Kiều bị đẩy lên tới đỉnh cao. Kiều biết Thúy Vân lấy Kim Trọng tức là trả nghĩa, là do “xót tình máu mủ” chứ chẳng phải vì “lời nước non” cho nên Kiều chỉ có thể trao lại duyên cho Vân, còn tình yêu thì nàng đâu thể dễ trao. Với tình yêu, Kiều là một “người mệnh bạc”. Nàng tìm cách để trở về với tình yêu bằng hai con đường chính là để lại kỉ vật và linh hồn bất tử.

Kiều đã trao lại cho Vân những kỉ vật. Nàng chỉ mong rằng bằng những kỷ vật, nàng sẽ hiện diện ở trong tình yêu. Những kỷ vật hết sức thiêng liêng và đẹp đẽ: “Chiếc thoa với bức tờ mây” hay “phím đàn với mảnh hương nguyền”. Kỷ vật vô cùng đẹp đẽ bởi nó gắn liền với những ngày tháng đẹp nhất của đời Kiều. Kỷ vật rất thiêng liêng bởi nó là của riêng – chỉ riêng của Kiều và Kim Trọng. Kiều không muốn trao đi cho người thứ ba, dù đó có là em mình. Bao xót xa thể hiện ở một từ “của chung”: “Duyên này thì giữ, vật này của chung”. Bao đớn đau được thể hiện trong một từ “ngày xưa”: “Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”. Hiện thực vô cùng đẹp đẽ và rực rỡ vừa mới đây thôi đã trở nên quá vãng. Thời gian khách thể bị phá vỡ và nhường chỗ lại cho thời gian của tâm trạng. Kỷ vật còn đó mà trong tình yêu, Kiều lại không hiện diện. Có ý nghĩa gì đâu khi “chút của tin” còn mà người thì đã đi mất. Con đường trở về bằng kỷ vật đã chẳng giúp được cho Kiều.

Kiều tìm tới con đường thứ hai, con đường trở về với tình yêu bằng chính linh hồn bất tử: “Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”. Kiều mong với sự trở về đó, nàng có thể trả nghĩa cho Kim Trọng, nàng sẽ nhận được sự đồng cảm từ người thương “Rưới xin giọt nước cho người thác oan”. Thế nhưng, như đã có người từng nói, nếu trong thiên tình sử xưa, giọt lệ của Mị Nương rơi xuống chén trà và oan hồn của Trương Chi được giải tỏa thì ở trong “Đoạn trường tân thanh”, giọt lệ của chàng Kim chẳng thể làm tan đi mối tình oan khuất của nàng Kiều. Bởi sự trở về với linh hồn bất tử là sự trở về chẳng thể gặp gỡ.

Kết thúc đoạn thơ, yếu tố bi kịch không những không giảm xuống mà còn được đẩy lên cao hơn. Ấy là khi sự trở về bằng chính linh hồn, sự trở về siêu hình bất lực trước những cảm xúc thực tế của người con gái họ Vương. Kiều ý thức được rất rõ về cái hiện sinh và cái “bây giờ” thông qua các câu: “Trâm gãy gương tan”, “phận bạc như vôi”, “Tơ duyên ngắn ngủi”, “nước chảy hoa trôi”.

Kiều ý thức được về cái hiện hữu và cái “bây giờ”, Kiều càng thấy thương mình. Ai nỡ trách nàng sau khi đã thương người, vì người, nàng cũng tự thương mình. Nàng có một chút vì mình cũng chẳng phải là vị kỉ mà vẫn thể hiện sự vị tha. “Vì người” thì hoàn toàn không có chút bóng dáng của sự đau thương cá nhân. Chỉ khi mọi sự “đối với người” đều đã xong xuôi, bây giờ mới nhìn thấy tấm lòng mình, tình cảnh của mình. Nỗi đau của nàng càng sâu nặng biết bao. Tâm trạng bi kịch của Thuý Kiều càng trở nên sâu sắc. Trước sự chà đạp số phận của mình, nàng vẫn không khỏi khát vọng về một tình yêu thiết tha và vĩnh viễn: “Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân” hay “Trăm nghìn gửi lạy tình quân”. Sự hiện hữu của tình yêu làm cho Kiều quên đi sự hiện diện của người em gái. Đang từ đối thoại với Thuý Vân, Kiều quay sang độc thoại nội tâm và sau đó nàng như hướng tất cả tới Kim Trọng:

“Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

Trong một câu thơ, tên Kim Trọng đã được gọi đến hai lần, kèm với những thán từ chỉ sự đớn đau và tuyệt vọng như “ôi”, “hỡi”. Câu thơ trên được ngắt nhịp 3/3 đọc lên tựa như tiếng nấc, để rồi tới câu thơ dưới nhịp thơ lại dài ra như một lời than thở. Lời trao duyên kết thúc bằng một câu than, bằng tiếng kêu vô cùng đớn đau, tuyệt vọng. Tuy tình yêu tan vỡ nhưng khát vọng về tình yêu lại được khẳng định. Đó là nét đẹp rất cao quý trong tâm hồn Kiều, là giá trị nhân văn rất bền vững của “Truyện Kiều”. Đoạn thơ có sự bi kịch, đau thương nhưng chẳng thê lương, đen tối mà trái lại vẫn ngời lên ánh sáng về niềm tin vào tình yêu và con người.

 

Câu 4: trang 16 SGK Văn 11/2 kết nối tri thức

Phân tích về diễn biến tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều trong mười dòng thơ cuối cùng (chú ý về sự thay đổi của đối tượng tâm tình và giọng điệu).

Lời giải chi tiết:

“Trăm nghìn gửi lạy tình quân

….……………………………..

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

Sau khi đã trao duyên của mình cho Thúy Vân, Kiều lại âm thầm nhắn nhủ đến Kim Trọng rằng nàng đã thật sự phụ tình chàng từ đây. Đó không chỉ là câu nói thể hiện ra sự đau xót khi phải chia tay người mình yêu lúc tình cảm vẫn còn đang rất mặn nồng sâu sắc mà còn là suy tư về cuộc sống vô cùng tăm tối phía trước đang chờ Kiều.

Tơ duyên của Kiều và Kim chỉ có thể ngắn ngủi từng ấy, xin gửi lại chàng mối duyên này cho em gái mình là Thúy Vân.

Kiều đã phải thốt lên rằng: “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!” đây vừa là lời xin lỗi mà Kiều muốn gửi đến Kim, vừa là lời oán trách tại sao số phận mình lại bạc bẽo đến thế.

→ Kiều không chỉ có suy nghĩ về việc cứu cha và em trai, trao mối duyên của mình lại cho Vân mà còn suy nghĩ cho người đàn ông mình hết lòng yêu thương. Một cô gái nhỏ bé vốn sống cuộc sống bình an nay phải suy tư rất nhiều, không chỉ vậy, cuộc sống trôi nổi phía trước của nàng cũng khiến cho người ta cảm thấy đau xót về kiếp hồng nhan bạc phận.

Diễn biến tâm lí của nhân vật Kiều đi qua rất nhiều cảm xúc khác nhau, từ nghĩ cách để cứu cha và em, trao mối duyên của mình cho người khác, đến việc nghĩ cho người mình rất yêu thương và đến cuộc sống bấp bênh của nàng phía trước khiến người ta không khỏi xót xa.

Câu 5: trang 16 SGK Văn 11/2 kết nối tri thức

Nhận xét về nghệ thuật sử dụng từ ngữ của tác giả Nguyễn Du trong đoạn trích. Hãy minh họa bằng một ví dụ nào đó mà bạn cảm thấy tâm đắc.

Lời giải chi tiết:

Vẻ đẹp ngôn từ trong đoạn trích đã được thể hiện thông qua tính hình tượng, gợi lên những hình ảnh làm cho nhân vật và sự kiện như được hiện hữu ngoài đời thực. Tính hình tượng mang tới sức thuyết phục, đồng thời khơi gợi về sự đồng cảm và tri âm từ phía độc giả đối với người nghệ sĩ cũng như với những nhân vật trong tác phẩm. Hai câu thơ:

Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

Thúy Kiều xét theo vai vế là bậc trên trong nhà, nhưng khi nhờ em lại phải dùng từ "cậy", hỏi ý kiến em gái qua "chịu lời". Vì nàng hiểu, điều mà nàng khẩn khoản nhờ em sắp tới thật khó chấp nhận được, nhưng Thúy Vân sẽ không cách nào có thể từ chối. "Lạy" rồi "thưa", Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều được tự kể lại câu chuyện về tình yêu bi kịch của chính mình trong một tâm thế của kẻ bề dưới, nhọc lòng mong mỏi người khác có thể giúp đỡ nàng. Những từ ngữ đắt giá không chỉ thể hiện lên hoàn cảnh khốn cùng của Thúy Kiều mà còn bộc lộ được sự mong chờ và tha thiết của nàng, mong em gái có thể chấp nhận lời cầu xin.

Đi thẳng vào vấn đề, Thúy Kiều đã bày tỏ, tâm sự với Thúy Vân về mối tình đang mặn nồng của mình và Kim Trọng. "Quạt ước", "chén thề", những vật làm niềm tin bí mật giữa Kim với Kiều. Vào đêm hôm đó, có đất, có trời, có cả trăng, có sao và có tấm lòng vô cùng son sắt, hai người đã trao cho nhau một chiếc quạt đính ước và ly rượu phu thê thề nguyền. Rồi còn có cả "chiếc vành với bức tờ mây" và "phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa", những kỉ vật tình yêu ấy được Thúy Kiều trang trọng cất giữ và giờ đây nàng trao lại chúng cho em gái với hi vọng rằng em sẽ thay thế vị trí của mình, nối tiếp mối duyên hồng với người nàng yêu. Tuy vậy, nàng Kiều trong phút giây đau khổ ấy vẫn muốn níu kéo lại chút tình cảm lứa đôi:

Duyên này thì giữ, vật này của chung

Cái luyến tiếc về những kí ức dấu yêu khiến cho Kiều bị dày vò về mặt tinh thần, không còn đủ tỉnh táo. Rõ ràng là duyên đã được trao, lại mang thân phận đi cậy nhờ, nhưng nàng vẫn mong muốn "vật này của chung", vẫn muốn lưu giữ lại một chút kỉ niệm đáng nhớ của nàng và người yêu. Dễ hiểu cho một người con gái, người con gái mới chỉ biết yêu lần đầu, chẳng thể nào cam tâm bỏ đi hoàn toàn mối duyên tình, chỉ mong muốn rằng được gìn giữ lại cho bản thân một chút hình bóng nhỏ bé. Cảm xúc chân thật của Thúy Kiều đã gợi lên trong lòng người đọc một nỗi đồng cảm và thấu hiểu cho những day dứt của nàng, thấu hiểu tại sao nàng lại muốn giữ làm của chung đến vậy. Tình yêu vẫn nồng cháy như vậy, chẳng thể đành lòng chấm dứt.

Một chi tiết vô cùng đắt giá thể hiện lên tính hình tượng của vẻ đẹp ngôn ngữ nghệ thuật chính là khi Kiều nghĩ tới cái chết. Người con gái tuổi mới trăng tròn còn đang mơn mởn sức sống như vậy, nhưng đứng trước hoàn cảnh phải chia li, trong đầu chỉ quanh quẩn nghĩ về kết thúc bi kịch và cái chết.

Hồn còn mang nặng lời thề

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai

"Bồ liễu" và "trúc mai" vốn là những hình ảnh tượng trưng hết sức quen thuộc trong văn thơ, mang tính biểu tượng hàm súc và gợi tả về dáng vẻ mong manh, liễu yếu đào tơ của những người con gái. Với Thúy Kiều, không chỉ có thân phận long đông, không có sức chống cự, mà "bồ liễu", "trúc mai" còn như tiếng than cho duyên phận bị lỡ làng, phúc phần mỏng manh mà nàng đang phải gánh chịu. Ra đi không mong ngày được trở về, trước mắt nàng chính là tương lai đen tối, mịt mù và là cái chết vĩnh hằng, bị chà đạp, coi như rẻ rúng đến chết. Xót xa thay cho một kiếp người, vẫn còn trẻ, vẫn biết yêu và biết rung động mà đã tự nghĩ đến cho mình cái chết cận kề. Tác giả không nói đến sự đau khổ, không đề cập trực tiếp tới tình yêu thiết tha của Thúy Kiều với Kim Trọng, nhưng câu thơ cuối bài, tiếng kêu của Kiều đã được thể hiện rất rõ những bi kịch mà nàng đang gặp phải:

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây

Kiều gọi Kim Trọng là "lang", là cách gọi chồng của người phụ nữ xưa. Đối với Kiều, chàng Kim không chỉ đơn thuần chỉ là người yêu, mà đó còn là chồng, là đức lang quân mà nàng đã trao gửi số phận. Vị trí của Kim Trọng trong tim của nàng quả thực rất to lớn. Nhưng giờ đây, nàng đành phải chấp nhận xa rời và chấp nhận từ bỏ mối tình đang rất nồng cháy với chàng, vì chữ hiếu, vì phải bán mình để có thể đổi lấy hạnh phúc cho người thân. Nàng đã phụ lòng chàng Kim, chỉ có thể thốt lên câu đầy ai oán. Bi kịch về tình yêu tan vỡ, những trái tim còn đang thổn thức yêu nhau bị chia rẽ. Ngôn ngữ nghệ thuật đã bao hàm toàn bộ cảm xúc của nhân vật Kiều, độc giả dường như có thể thấu cảm được những diễn biến tâm trạng của nàng, từ sự cam chịu đến luyến tiếc rồi lại đau khổ tột cùng nhưng vẫn phải đối mặt với hiện thực phũ phàng. Tác giả đã chạm tới trái tim và lòng trắc ẩn của người đọc để cùng tri âm và sẻ chia sự đau xót đối với các nhân vật.

Vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong "Trao duyên" còn được thể hiện thông qua tính cá thể hóa, qua đó, Thúy Kiều đã bộc lộ được cá tính riêng biệt, không bị hòa lẫn của mình. Từng câu chữ trong tác phẩm đều đã tập trung gợi tả về thân phận tội nghiệp của nàng Kiều hồng nhan bạc mệnh, từng trang thơ chính là từng trang nước mắt khóc thương cho số phận người phụ nữ kém may mắn. Thúy Kiều hiện lên thông qua trang viết của Nguyễn Du là người con gái rất biết điều, biết nghĩ và hiếu thảo với cha mẹ, sẵn sàng hi sinh hạnh phúc của mình nhưng cũng vô cùng sắc sảo và chủ động trao duyên cho em gái vì vẫn muốn giữ trọn lời thề. Đặc biệt, cá tính của Thuý Kiều thể hiện ở chỗ, đã trao duyên cho Thúy Vân nhưng nàng vẫn có ý muốn được giữ lại chút ít kỉ vật giữa nàng với Kim Trọng, bộc lộ tính cách của một cô gái vô cùng mạnh mẽ và thông minh. "Trao duyên" thực chất là lời bộc bạch của nhân vật Thúy Kiều trong những cung bậc cảm xúc lẫn lộn và giằng xé. Tuy đau đớn là thế, tiếc là thế, đứng giữa những hồi ức vô cùng hạnh phúc và tương lai đầy bi kịch, nhưng sự tinh tế và sắc sảo mà ý nhị của người con gái đó vẫn được thể hiện một cách khéo léo. Qua đoạn trích, ta cũng thấy được rằng phong cách nghệ thuật mang đến tính nhân văn cao cả của Nguyễn Du, yêu thương, trân trọng và cảm thông trước những số phận cơ cực và bất hạnh.

Vẻ đẹp ngôn ngữ nghệ thuật thông qua "Trao duyên" đã tạo ra kiệt tác Truyện Kiều, tạo nên tên tuổi của tác giả Nguyễn Du không chỉ trong nước mà còn mang sức ảnh hưởng tầm cỡ thế giới. Ngôn từ hết sức trong sáng, chọn lọc và mang nhiều tầng nghĩa vừa gợi tả, vừa gợi cảm cùng đảm bảo được ba chức năng chính: thông tin, hình tượng cùng với sự cá thể hóa đã đưa Truyện Kiều trở thành một chuẩn mực ngôn từ trong nền văn học thơ chữ Nôm. Với tác phẩm ấy, thơ chữ Nôm đã tạo nên một thành công rất vang dội, đưa chữ quốc ngữ của Việt Nam thời kỳ bấy giờ vươn tầm văn hóa, bản sắc đặc trưng riêng biệt của một dân tộc.

2.4 Kết nối đọc - viết trang 16 SGK Văn 11/2 kết nối tri thức

Truyện Kiều là tiếng nói thể hiện sự hiểu đời, thương đời của tác giả Nguyễn Du. Viết đoạn văn (dài khoảng 150 chữ) chỉ ra những biểu hiện của sự "hiểu" và "thương" đó trong đoạn trích Trao duyên.

Lời giải chi tiết:

Thúy Kiều thực sự là một người phụ nữ đáng thương hơn đáng trách. Có thể mọi người sẽ thấy nàng làm như thế là ích kỷ bởi sao lại bắt em gái mình phải nên duyên với người đàn ông mình yêu. Nhưng khi xem xét kỹ về mọi góc độ ta sẽ thấy, điều này là hoàn toàn hợp lý. Kiều đã vì gia đình mà làm tròn chữ hiếu, đã từ bỏ hạnh phúc cuộc đời mình bằng việc bán thân – chuyện mà mọi người không dám làm và khi nàng đang chuẩn bị phải rời xa ngôi nhà, nhưng vì vẫn còn rất nặng lòng với Kim Trọng, nàng chẳng thể yên lòng rời đi và đó cũng chính là lúc nàng nhờ cậy đến Thúy Vân. Thúy Vân thực sự khó có thể từ chối mối duyên này bởi nàng rất thương chị gái và trước lời khẩn thiết như thế, nàng bắt buộc phải chấp nhận nó. Đến đây, ta thấy rằng Kiều thực sự đáng thương, nàng không muốn phụ bất kỳ ai ở đây cả và nàng đã chọn cách là trao duyên để mối tình ấy có phần được xoa dịu và vì thế, nó đáng thương hơn là đáng trách. 

Soạn trước tác phẩm sẽ giúp các em hiểu hơn về tác giả, tác phẩm để trong quá trình học chính trên lớp không gặp khó khăn. Bài viết phía trên đã soạn bài Trao duyên trong ba cuốn sách Cánh diều, Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo. VUIHOC tin chắc rằng, sau khi tham khảo bài viết, các em sẽ phần nào nắm được nghệ thuật và nội dung của bài. Ngoài ra, để học thêm những học phần khác thuộc ngữ văn 11 kết nối tri thức và chân trời sáng tạo, cánh diều hoặc tất cả các môn học khác, các em nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn hoặc đăng ký những khoá học của VUIHOC để trải nghiệm học cùng các thầy cô ngay nhé!


Nguồn: 

https://vuihoc.vn/tin/thpt-soan-bai-trao-duyen-ngu-van-11-canh-dieu-ket-noi-tri-thuc-chan-troi-sang-tao-2283.html